Nam Hoa mở rộng quy mô, từng bước hiện thực hóa tham vọng số 1 sản xuất đồ gỗ

06/05/2022
(ĐTCK) CTCP sản xuất và thương mại Nam Hoa (mã chứng khoán NHT) định hướng trở thành công ty hàng đầu về sản xuất sản phẩm gỗ tại Việt Nam thông qua việc phát triển từng bước sâu và rộng trong ngành.
 Bước đầu, Nam Hoa đã đạt vị thế dẫn đầu trong phân khúc sản xuất sản phẩm quà tặng và đồ chơi gỗ cao cấp, bước chuyển tiếp theo là đặt chân sâu vào thị trường rộng lớn hơn: sản xuất nội thất cao cấp bằng việc M&A công ty Miền Quê.
 Tấn công vào ngành hàng lớn nhất trong sản xuất đồ gỗ, mục tiêu doanh thu trên ngàn tỷ đồng
 Năm 2022, Nam Hoa đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.070 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 83,35 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 15% và 53,36% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 77 tỷ đồng, tăng 42,53%.
 Trong đó, Nam Hoa tập trung vào sản phẩm thế mạnh và chủ lực là đồ chơi trẻ em và hàng trang trí cao cấp bằng gỗ xuất khẩu. Còn công ty thành viên Miền Quê tập trung hoạt động kinh doanh mảng nội thất gỗ xuất khẩu - đây là công ty mà Nam Hoa đã thực hiện thành công thương vụ M&A từ năm 2019 và chính thức đạt quyền kiểm soát 51% vào đầu năm 2021.
 Được biết, Miền Quê là một trong những công ty có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường về sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất, tệp khách hàng tên tuổi chủ yếu từ Mỹ. Các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Miền Quê luôn hướng tới phân khúc cao cấp, 90% xuất khẩu cho thị trường Mỹ với khách hàng tiêu biểu như Ashley Furniture, Jofran Furniture, Whalen Furniture và Modus Furniture. Các hợp đồng cung cấp được kí kết dài hạn với các đối tác giúp cho các đơn hàng của Miền Quê luôn được đảm bảo.

Một góc Nhà máy Miền Quê, công ty thành viên của NHT chuyên sản xuất hàng nội thất cao cấp xuất khẩu

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Đoàn Hương Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHT, chia sẻ:“Kinh doanh sản phẩm quà tặng và đồ chơi cao cấp bằng gỗ là bước vào thị trường ngách, trong khi tham vọng của Công ty là dẫn đầu ngành sản xuất đồ gỗ (với 50% xuất khẩu, 50% nội địa) nên chắc chắn chúng tôi phải mở rộng thêm ngành hàng; trong đó, sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu là thị trường khổng lồ sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, việc mua công ty Miền Quê đã nằm trong chiến lược từ trước để hiện thực hóa tham vọng này.”

ĐHCĐ (NHT) diễn ra ngày 29/4 tại Nhà máy 2 – Huyện Củ Chi

Theo đó, mảng đồ gỗ nội thất cao cấp xuất khẩu là mảng kinh doanh quan trọng trong những năm tiếp theo và Miền Quê là một mảnh ghép quan trọng.

Cơ sở cho con số kế hoạch tăng trưởng mạnh kể trên đến từ các đơn hàng có sẵn của Nam Hoa và Miền Quê. Chia sẻ của ông Đoàn Hương Sơn cho biết, nhờ năm 2021, Nam Hoa vững vàng và xoay sở tốt, doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng, đảm bảo tiến độ đơn hàng. Nhờ vậy, năm 2022, khách hàng đặt niềm tin lớn hơn với Nam Hoa nên giao các đơn hàng lớn cho công ty.

“Với mục tiêu doanh số 15 triệu USD thì đến nay Công ty đã nhận các đơn hàng đạt giá trị 12 triệu USD đến tháng 9, tương ứng khoảng 80% mục tiêu”, ông Nguyễn Tiến Thọ, Tổng giám đốc nói. Đồng thời, Miền Quê là công ty về nội thất với khối lượng sản xuất hàng tháng rất lớn, khoảng 200 container, chúng tôi đã nhận đơn hàng tính đến hết tháng 6/2022.

Liên quan đến việc cạnh tranh với Lego khi nhà sản xuất đồ chơi nhựa này đặt nhà máy tại Bình Dương, trả lời câu hỏi của cổ đông, lãnh đạo Nam Hoa cho rằng, đây thực sự là cơ hội hơn là thách thức vì Lego hiện là một khách hàng của Nam Hoa. Lego có đến 99% doanh thu là từ đồ chơi nhựa và Lego đang phát triển thêm mảng đồ chơi gỗ với tham vọng nghiên cứu & phát triển thành công đồ chơi gỗ kết hợp với nhựa. Nam Hoa kỳ vọng sẽ tăng được đơn hàng cho Lego khi nhà máy tại Bình Dương của Lego đi vào hoạt động.

Tăng vốn, mua lại hai công ty sản xuất và thương mại Tràng An

Đáng chú ý, bên cạnh việc trả cổ tức 30%, phát hành ESOP, thì NHT còn phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:2 với giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp nhằm huy động 123,3 tỷ đồng để thực hiện mua chi phối 2 công ty.

Cụ thể dự chi 38 tỷ đồng mua 51% cổ phần CTCP Thương mại Tràng An; chi hơn 73 tỷ đồng mua 54,13% cổ phần CTCP bánh kẹo Tràng An 3; và bổ sung vốn lưu động 12 tỷ đồng.

Ông Đoàn Hương Sơn chia sẻ, để có thể đạt mục tiêu dẫn đầu trong ngành, việc mở rộng quy mô chắc chắn phải thực hiện. Theo đó, việc mua 2 công ty về thương mại và sản xuất tiêu dùng trong nước cũng là câu trả lời cho việc vì sao Nam Hoa đặt kế hoạch phát triển 50% trong nước và 50% xuất khẩu – bởi Công ty muốntận dụng hệ thống phân phối dọc đất nước, phát triển cho việc bán hàng. “Các công ty bánh kẹo này có thương hiệu lâu đời, hàng đầu về sản xuất & phân phối bánh kẹo ở miền Bắc, doanh số rất lớn, nên nếu Nam Hoa mua được 2 công ty này, thì doanh thu hợp nhất cộng thêm được gần 1.000 tỷ đồng, quy mô công ty sẽ tăng rất nhanh.”

Ông Đoàn Hương Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Thương mại Nam Hoa trả lời cổ đông

Đặc biệt, cả 2 công ty này đều có lịch sử chia cổ tức đều và tốt hàng năm nên sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho NHT, cụ thể: CTCP Thương mại Tràng An thường chia cổ tức ở mức 25%-30%/năm; CTCP bánh kẹo Tràng An 3 thường chia cổ tức 50% nhiều năm

“Chúng tôi đã từng là những cán bộ chủ chốt trong đội ngũ quản lý điều hành, có 15 năm kinh nghiệm tại các tập đoàn lớn như Unilever, Samsung, Sữa New Zealand nên tự tin khẳng định rằng nếu mua được công ty có nền tảng tốt thì chúng tôi sẽ làm tốt hơn và dẫn dắt thành những công ty hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là bước cơ sở để Nam Hoa đi “hai chân” 50% xuất khẩu, 50% nội địa”, ông Sơn nói.

Theo: tinnhanhchungkhoan.vn